Vì sao Nhật Bản đón Tết Dương lịch, bỏ Tết âm?
Từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, Nhật Bản đã sử dụng lịch âm của người Trung Quốc và đón Tết Nguyên đán như các quốc gia Châu Á khác. Tuy nhiên, từ năm 1873, người Nhật Bản quyết định từ bỏ kỉ niệm Tết âm lịch.
Cụ thể, người Nhật Bản đã áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn được bắt kịp phương Tây. Họ cho rằng việc bỏ ngày Tết Âm lịch sẽ giúp Nhật Bản giảm bớt số ngày nghỉ của người dân và lao động để tập trung vào công việc, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế…
Với việc từ bỏ Tết Nguyên đán, Nhật Bản đón năm mới vào ngày 1.1 dương lịch và gọi đây là ngày đầu năm mới (Ganjitsu). Do đó, đất nước này sẽ đón Tết sớm hơn khoảng 1 tháng so với các nước láng giềng.
Ban đầu, nhiều người dân Nhật Bản lên tiếng phản đối, đặc biệt, những người ở vùng nông thôn vẫn nhất quyết ăn Tết Nguyên đán vì cho rằng Tết âm rơi vào đầu xuân, thời tiết ấm áp. Thời gian diễn ra Tết Dương lịch rất lạnh lẽo, không phù hợp đón năm mới.
Bất chấp điều này, Nhật Bản vẫn quyết tâm từ bỏ ngày Tết Âm lịch và chỉ cho người lao động nghỉ dài ngày dịp Tết dương. Dần dần, Tết Âm lịch thực sự không còn là ngày lễ lớn ở Nhật.
Người Nhật đón Tết thế nào?
Mặc dù đón Tết theo lịch của phương Tây nhưng ngày Tết ở Nhật Bản vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống phương Đông.
Vào những ngày giáp Tết, người Nhật đi sắm sửa đồ dùng trong dịp Tết. Các cửa hàng và khu mua sắm rất tấp nập. Ngoài ra, vào ngày này để chào đón vị thần Toshigami-sama đến nhà, nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ.
Sau đó, người dân Nhật sẽ tiến hành trang hoàng nhà cửa. Họ thường trang hoàng vào ngày 28 hoặc 30, vì ngày 29 trong tiếng Nhật phát âm gần giống với “hai lần đau”. Mọi nhà đều trang trí cây tùng trước cửa vì theo tín ngưỡng cổ truyền thì vị thần Toshigami-sama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây này. Trên khung cửa của các gia đình Nhật Bản còn trang trí các vật phẩm như đồ đan bằng lá màu trắng (tượng trưng cho sự trinh bạch không tì vết), quả quýt (tượng trưng cho sự thịnh vượng), thừng bện bằng cỏ (dâng lên thần linh cầu tài lộc), dải giấy trắng (xua đuổi tà ma).
Phụ nữ Nhật Bản sẽ vào bếp chuẩn bị các món ăn cũng như làm bánh Tết. Bánh Tết được làm vào ngày 28 hoặc 30 Tết. Bánh Tết cùng với các món như ragu khoai sọ, cà rốt, rau xanh thường được đưa lên cúng thần linh. Cà rốt tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó hòa thuận giữa mọi thành viên trong gia đình. Khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh đẩy trừ tà khí. Các món ăn làm trong dịp Tết có nguyên liệu như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, khoai lang, tảo, hạt dẻ, cá khô. Đây là những món ăn đơn giản, mang ý nghĩa cầu mong mọi sự tốt lành.
Đêm Giao thừa, cả gia đình người Nhật sẽ ăn bữa tất niên. Đến thời khắc giao thừa, các ngôi chùa thiêng sẽ điểm 108 hồi chuông. Người Nhật tin rằng những tiếng chuông này sẽ giúp họ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Chủ gia đình sẽ đọc lời chúc mừng năm mới và sau đó cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bánh Tết, uống rượu. Người Nhật tin rằng thần Toshigami-sama sẽ truyền sinh lực vào bánh Tết, nên sau khi cúng thần chiếc bánh này sẽ được chia ra cho mọi thành viên trong gia đình thưởng thức.
Đối với người Nhật, xuất hành đầu năm là một việc trong đại. Họ thường ưu tiên đi lễ chùa cầu may. Mỗi năm có một hướng tốt nên người Nhật sẽ đi lễ chùa theo hướng của năm đó. Khi vào chùa mọi người phải rửa tay và súc miệng trước, sau đó mới được hành lễ.
Từ mùng 1 Tết, người Nhật sẽ đi chúc Tết cấp trên, bạn bè, họ hàng thân thích. Người Nhật gọi ba ngày đầu năm mới là “ba ngày chúc tụng”. Theo truyền thống, các gia đình đều để cuốn sổ và bút chì trước cổng. Người đi chúc Tết sẽ ghi địa chỉ vào cuốn sổ, mang ý nghĩa là đã đến thăm nhà. Người Nhật cũng có phong tục lì xì cho trẻ con như các nước châu Á khác.
Một nét đặc sắc trong phong tục đón năm mới của người Nhật là tặng thiệp mừng năm mới. Người Nhật rất chịu khó viết thiệp chúc mừng gửi đến bạn bè, họ hàng.